Trang chủ / Tin Y Khoa / Điều trị chỉnh hình đối với bệnh nhân khe hở môi/vòm miệng

Điều trị chỉnh hình đối với bệnh nhân khe hở môi/vòm miệng

Nói về điều trị chỉnh hình trên bệnh nhân môi-hàm ếch thì người ta lại chia theo các giai đoạn mọc răng, bao gồm giai đoạn trước răng sữa (sơ sinh đến 2 tuổi), giai đoạn răng sữa (2 – 6 tuổi), giai đoạn răng hỗn hợp (7 – 12 tuổi) và giai đoạn răng vĩnh viễn. Gọi giai đoạn trước răng sữa thực sự không chính xác lắm, do răng sữa đã bắt đầu mọc từ lúc 7-8 tháng.

Trong giai đoạn trước răng sữa thì can thiệp chỉnh hình hầu như ít khi đặt ra, trừ trường hợp khe hở môi hai bên có tình trạng di lệch mấu tiền hàm. Trường hợp này thường liên quan đến khe hở môi toàn bộ hai bên, đặc biệt có phối hợp với khe hở hàm ếch toàn bộ hai bên. Can thiệp chỉnh hình lúc này còn gọi chỉnh hình sơ sinh (infant orthopedics) mà tiên phong là Burston vào cuối thập niên 50. Nếu đủ khoảng để kéo lùi mấu tiền hàm, thì có thể sử dụng băng kéo đàn hồi tạo áp lực lên mấu tiền hàm. Dưới áp lực của băng kéo, mấu tiền hàm sẽ được kéo lui khá nhanh, chỉ trong vòng vài tuần là hiệu quả. Trường hợp mấu tiền hàm nhô ra trước trầm trọng và phần hàm trên hai bên sụp vào trong thì phải nới rộng hàm trên trước, đến khi đủ khoảng mới kéo lùi mấu tiền hàm. Tuy nhiên, qua hơn 40 năm nghiên cứu về tác dụng của can thiệp chỉnh hình sơ sinh về tính hiệu quả lâu dài so với việc không can thiệp sớm thì không có sự khác biệt đáng kể. Những trường hợp nhẹ và trung bình thì lực ép của môi sau mổ đủ để ép phần mấu tiền hàm lui sau. Can thiệp chỉnh hình sơ sinh vị vậy chỉ còn áp dụng với những trường hợp trầm trọng mà thôi. Tuy nhiên, những trường hợp trầm trọng này vẫn có thể giải quyết bằng giải pháp phẫu thuật đẩy lùi mấu tiền hàm cùng thì với tạo hình môi hai bên.

Trong giai đoạn răng sữa, một số  tác giả chủ trương tiến hành điều trị chỉnh nha nếu vấn đề trầm trọng liên quan đến nguyên nhân do xương, nhưng quan điểm chung hiện nay không can thiệp chỉnh nha trong giai đoạn răng sữa.

Trong giai đoạn răng hỗn hợp, những vấn đề chính cần can thiệp là tình trạng cắn chéo răng sau, nghiêng lệch các răng trước, răng nanh ngầm.

Cắn chéo răng sau thường gặp trên bệnh nhân khe hở HE. Do sẹo mổ khẩu cái cứng xơ hóa cản trở sự phát triển của XHT gây nên tình trạng cắn chéo răng sau. Tùy thuộc mức độ cắn chéo răng sau mà có thể chỉ định các loại khí cụ khác nhau như cung W, Quad-Helix, Spider hay RPE.

Tình trạng nghiêng lệch các răng trước cũng thường xuyên xảy ra ở bệnh nhân môi-HE. Tình trạng nghiêng lệch này có thể điều trị ngay trong giai đoạn răng hỗn hợp hay chở đến giai đoạn răng vĩnh viễn tùy trường hợp. Việc điều trị lệch lạc các răng trước tương đối đơn giản, và có thể sử dụng khí cụ 2×4 giải quyết vấn đề này.

Giải quyết vấn đề mọc răng nanh trên chỉ có thể thực hiện khi đã tiến hành ghép xương khe hở cung răng. Ghép xương là vấn đề quan trọng nhất trong giai đoạn răng hỗn hợp. Về phương diện chỉnh nha, chỉ là tạo khoảng đủ để R nanh mọc hoặc kéo răng trường hợp răng nanh ngầm.

Nếu bệnh nhân đã được điều trị tốt từ giai đoạn răng hỗn hợp thì giai đoạn điều trị toàn diện ở răng vĩnh viễn có thể tiến hành như những trường hợp chỉnh nha bình thường. Tuy nhiên cần lưu ý là nhiều trường hợp phải can thiệp phẫu thuật chỉnh nha mới giải quyết được. Những trường hợp không được chuẩn bị tốt từ giai đoạn răng hỗn hợp, đặc biệt là vấn đề ghép xương khe hở, kết quả điều trị sẽ không được như mong muốn. Ngoài ra, trên bệnh nhân môi-HE còn hay gặp những trường hợp thiếu mầm răng, răng dị dạng, răng mọc lạc chỗ, răng chuyển vị… đòi hỏi phải phối hợp cả điều trị phục hình, implant.. chứ không chỉ là chỉnh nha đơn thuần.

Tác giả: TS.BS Trần Ngọc Quảng Phi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chúng tôi đang xử lí yêu cầu của bạn..Vui lòng đợi sau ít phút