Thủng xoang hàm hay lọt chân răng vào xoang là tai biến có thể gặp với bất kỳ ai, từ những tân binh cho đến những người nhiều kinh nghiệm.
Trường hợp thủng xoang hàm, nếu lỗ thủng nhỏ (không quá 5mm) thì khả năng lành rất tốt, trừ trường hợp đã có tình trạng viêm xoang trước đó. Kể cả trường hợp không khâu đóng ổ răng, cục máu đông hình thành đã có thể bít kín được lỗ thông. Do vậy, không nên quá lo ngại trong trường hợp này.
Lưu ý các Bác sĩ nên dặn dò bệnh nhân không súc miệng mạnh trong thời gian khoảng 1 tuần. Tình trạng khạc ra máu bầm sau nhổ răng có thể kéo dài trong thời gian 2 – 3 tuần vẫn là chuyện bình thường, và cũng nên báo cho bệnh nhân biết điều này. Có thể cho chụp phim CT xoang để đánh giá tình trạng xoang hàm, chỉ định chụp CT xoang, cửa sổ mô mềm + cửa sổ xương. Trên CT xoang, có thể đánh giá được mức độ tụ máu xoang hàm, tình trạng viêm xoang (nếu có). Nếu bệnh nhân có viêm xoang mạn tính trước đó, các Bác sĩ RHM có thể gửi khám chuyên khoa TMH để họ kết luận sớm sẽ tránh bị đổ thừa vì tình trạng viêm mãn này đã có trước khi nhổ răng.
Biến chứng đáng lo ngại nhất là viêm xoang do hậu quả của thông xoang sau nhổ răng. Trường hợp này cần theo dõi và được xử trí bởi BS TMH và lúc này, có lẽ mình phải chịu trách nhiệm chia sẻ với bệnh nhân về chi phí điều trị.
Để phòng ngừa và xử lý thông xoang hay chân răng lọt xoang, cần lưu ý:
Nên chụp phim trước khi nhổ răng hàm trên từ răng cối nhỏ thứ nhất đến răng cối lớn. Nhiều trường hợp bản thân chân răng đã gần như nằm trong lòng xoang, chỉ được bao phủ bởi một lớp xương rất mỏng. Những trường hợp này, nguy cơ lọt chân răng vào xoang cao. Động tác nhổ răng phải hết sức nhẹ nhàng, tránh dùng nạy tối đa. Nếu có dụng cụ nhổ răng sang chấn tối thiểu là tốt nhất. Khi dùng nạy, cần có những nạy với mũi nạy mỏng, bén, không dùng động tác đẩy mạnh mà phải dùng động tác len nạy giữa chân răng và xương ổ, lắc nhẹ nạy qua lại. Nếu thấy chân răng không nhúc nhích, thì nên dùng mũi khoan cắt đôi chân răng theo chiều ngoài trong. Trường hợp gãy chân răng sâu, phải có những cây nạy chóp nhỏ (của Hu-Friedy là tốt nhất), nếu không thì không nên cố, vì nguy cơ sẽ gây lọt chân răng vào xoang. Khi chụp phim thấy tình trạng chân răng nằm trong xoang hàm, nên thông báo với bệnh nhân khả năng thông xoang và lọt chân răng vào xoang trước khi nhổ.
Kiểm tra tình trạng thủng xoang sau nhổ răng. Sử dụng cây đo túi (vô trùng) thông dò nhẹ nhàng ổ răng sau nhổ xem có thông vào xoang hàm hay không. Nhiều trường hợp nhổ răng ra được bình thường, nhưng vẫn có tình trạng thông xoang. Trong trường hợp này dặn dò bệnh nhân không súc miệng mạnh trong vòng 1 tuần. Những trường hợp lỗ thông nhỏ, không cần phải tạo vạt che phủ ổ răng.
Lỗ thông xoang hàm lớn (>5mm): Cần tạo vạt từ ngách lợi đóng kín ổ răng. Khi lấy vạt ngách lợi, có thể phải rạch màng xương giải phóng vạt mới có thể che phủ hoàn toàn ổ răng.
Chân răng lọt xoang hàm: Liên hệ đồng nghiệp gần nhất có khả năng lấy chân răng nhờ giúp đỡ. Việc lấy chân răng lọt xoang có thể làm tê tại phòng khám. Nếu không thể nhờ được ai, thì có lẽ phải đưa bệnh nhân vào bệnh viện thôi.