Hội chứng Down được phát hiện đầu tiên vào năm 1838 bởi Esquirol, nhưng đến năm 1866 mới được John L. Down mô tả một cách đầy đủ các đặc điểm của hội chứng, và đó cũng là lý do mang tên gọi của ông. Hội chứng Down thường được biết là biểu hiện của tình trạng trisomy 21, nhưng thực tế có đến 3 loại khác nhau : trisomy 21, trisomy 21 một phần (partial trisomy 21) và chuyển đoạn nhiễm sắc thể 21. Tuy nhiên, trong các loại trên, trisomy 21 chiếm tỉ lệ 95% và biểu hiện lâm sàng trầm trọng nhất.
Hội chứng Down rất dễ phát hiện vì những đặc điểm đặc trưng của nó ngay từ lúc sơ sinh và tỉ lệ bệnh nhân hội chứng Down chiếm 1/600 đến 1/1000 trẻ sinh ra. Đây là một con số khá lớn, hơn gấp đôi so với tỉ lệ khe hở môi và hàm ếch (1/2000). Tại Việt nam, với sinh suất 3,8% sẽ có khoảng 3000 đến 5000 trẻ hội chứng Down ra đời hằng năm. Và như vậy, việc chăm sóc sức khỏe răng miệng cho bệnh nhân hội chứng Down là một vấn đề mà người nha sĩ cần quan tâm.
Bệnh nhân hội chứng Down có rất nhiều biểu hiện bệnh ở hầu hết các cơ quan: Tim mạch, Thần kinh, cơ xương khớp, cơ quan tạo máu…(không đề cập trong phạm vi bài này).
Biểu hiện răng miệng của Hội chứng Down
Xoang miệng
Môi: Do giảm trương lực cơ vòng miệng nên môi ở bệnh nhân Down rất đặc biệt: môi dưới thường trề ra và miệng ngậm không kín. Đây cũng là hình ảnh đặc trưng của bệnh nhân Down, giúp phát hiện dễ dàng.
Khẩu cái: Do tầng mặt giữa kém phát triển, nên khẩu cái cũng kém phát triển với đặc điểm giảm chiều dài, giảm độ sâu. Khẩu cái mềm cũng kém phát triển có thể có khe hở hàm ếch, khe hở lưỡi gà (bifid uvula). Khẩu cái mềm cũng kém phát triển và giảm trương lực cơ nên khả năng phát âm của bệnh nhân cũng ảnh hưởng.
Lưỡi: Lưỡi bệnh nhân Down thường lớn, in dấu răng ở bờ lưỡi. Mặt lưỡi có nhiều vết rãnh sâu, gây khó khăn trong vấn đề vệ sinh lưỡi và thường dẫn đến hôi miệng do vi khuẫn kỵ khí tích tụ ở các rãnh sâu mặt lưỡi. Do giảm trương lực cơ, nên lưỡi luôn ở vị trí đưa ra trước gây ảnh hưởng đến vị trí răng: cắn hở, răng hở kẽ…Giảm trương lực cơ lưỡi cũng ảnh hưởng đến vấn đề phát âm của bệnh nhân.
Răng
Chậm mọc răng: Cả hai hệ răng sửa và răng vĩnh viễn đều mọc chậm hơn so với người bình thường. Răng cửa sữa thông thường sẽ mọc trong vòng tối đa 14 tháng, nhưng ở trẻ bệnh Down có thể đến 24 tháng. Bộ răng sữa ở trẻ sẽ mọc đầy đủ lúc trẻ 3 tuổi nhưng ở trẻ bệnh Down có thể 4 – 5 tuổi mới mọc đầy đủ hoàn toàn. Răng cối lớn thứ nhất ở bệnh nhân Down có thể đến 8 – 9 tuổi mới mọc. Khi đến tuổi thay răng, các răng sữa ít khi lung lay và cần phải nhổ để các răng vĩnh viễn mọc.
Răng nhỏ: Khoảng 35% đến 50% bệnh nhân Down có răng nhỏ hơn bình thường.Các răng trước thường có thân ngắn, hình nón. các răng cối nhỏ và cối lớn cũng có kích thước nhỏ hơn, nhưng hình dạng vẫn bình thường. Do các răng nhỏ nên tình trạng hở kẽ giữa các răng là rất phổ biến.
Thiểu sản men: Thiểu sản men cũng thường gặp ở bệnh nhân Down, và nguyên nhân có lẽ là do trẻ bị bệnh thường xuyên trong giai đoạn còn nhỏ và việc sử dụng kháng sinh thường xuyên sẽ dẫn đến ảnh hưởng đến tình trạng vôi hóa của mầm răng.
Thiếu răng một phần: Khoảng 50% bệnh nhân Down có thiếu răng một phần. Các răng thiếu theo thứ tự là răng khôn, răng cối nhỏ thứ 2, răng cửa bên hàm trên và răng cửa giữa hàm dưới.
Sâu răng: Mặc dù bệnh nhân khô miệng thường xuyên, nhưng tỉ lệ sâu răng ở bệnh nhân Down lại thấp hơn so với bình thường. Lý do sâu răng thấp ở bệnh nhân Down là do độ pH nước bọt ở bệnh nhân Down kiềm hơn so với bình thường và nồng độ vi khuẩn Streptpcoccus mutans cũng thấp hơn.
Mô nha chu
So với những trường hợp chỉ số mảng bám bình thường, bệnh nhân Down có tình trạng trạng viêm nướu cao hơn và khả năng tiến triển thành nha chu viêm nhanh hơn nhiều so với người bình thường. Bệnh nha chu ở bệnh nhân Down có thể bắt đầu từ khoảng 6 – 15 tuổi. Vấn đề phổ biến nhất là những bệnh nhân Down đến tuổi hơn 30 phải chịu là tình trạng răng lung lay không còn khả năng giữ.
Những biểu hiện nha chu ở bệnh nhân Down là tình trạng viêm nướu hoại tử lở loét cấp, bán cấp, nha chu viêm tiến triển, tiêu xương, tụt nướu rất nhanh. Vùng răng cối và răng cửa hàm dưới thường bị trầm trọng nhất.
Chương trình chăm sóc nha chu cho bệnh nhân Down
Ở các nước tiên tiến, chương trình chăm sóc nha chu cho bệnh nhân Down được thực hiện từ khi trẻ mới 18 tháng tuổi, bao gồm :
1. Tư vấn cho cha mẹ bé những thông tin về sự phát triển và những bất thường răng miệng, đặc biệt là mô nha chu.
2. Chế độ bổ sung fluoride thích hợp
3. Chế độ sinh dưỡng phù hợp
4. Chương trình vệ sinh răng miệng phòng ngừa hằng ngày do cha mẹ theo dõi.
5. Tái khám định kỳ mỗi 3 tháng
6. Súc miệng chorhexidine gluconate (0.12%)
4. Khớp cắn và hệ xương:
Bệnh nhân Down có rất nhiều biểu hiện về bất thường khớp cắn, mà trong đó những yếu tố góp phần bao gồm: thở miệng, nghiến răng, cắn hở, chậm mọc răng, chậm rụng răng, bất thường phát triển hàm trên, hàm dưới…Những vấn đề này đòi hỏi phải can thiệp chỉnh nha lẫn phẫu thuật mới hy vọng cải thiện về chức năng và thẩm mỹ cho bệnh nhân.
Nghiến răng xuất hiện rất sớm ở bệnh nhân Down và kéo dài trong suốt cuộc đời. Nghiến răng có tác hại đến hầu hết các mô nâng đỡ: răng, mô nha chu, khớp thái dương hàm… và cần được quan tâm điều trị.
Về bất thường xương hàm, ở bệnh nhân Down có các biểu hiện sau: kém phát triển tầng mặt giữa, và hậu quả đưa đến tình trạng lõm tầng mặt giữa, cắn chéo vùng răng trước. Sự phát triển hàm dưới ít bị ảnh hưởng, tuy nhiên do nền sọ kém phát triển làm cho góc NSBa rất tù : xương chẩm không phát triển xuống dưới và hõm khớp cao ảnh hưởng đến tương quan vị trí hàm dưới và hõm khớp.
Để nâng cao TƯ DUYvà KĨ NĂNG về NHA CHU xin mời Quý Bác sĩ liên hệ tham dự chương trình PHẪU THUẬT TẠO HÌNH VÀ THẨM MĨ NHA do TS.BS Trần Ngọc Quảng Phi chia sẻ:
Nguồn: TS.BS Trần Ngọc Quảng Phi