Cách chọn trụ lành thương thế nào cho hợp lý? Trường hợp nào dùng trụ lành thương thẳng? khi nào nên dùng trụ cá nhân. Hy vọng với những chia sẻ trong bài viết dưới đây của MESI sẽ giúp cho các Bác sĩ có được giải đáp cho các thắc mắc này.
Lựa chọn trụ lành thương trong cấy ghép implant căn cứ vào đâu?
Việc lựa chọn trụ lành thương chủ yếu là để tạo hình dạng nướu viền và độ cong lồi của nướu quanh răng sứ trên implant sau này. Do đó, việc quyết định chọn loại trụ lành thương nào tùy thuộc vào ý định của bác sĩ phục hình.
Lựa chọn trụ lành thương như thế nào cho hợp lý?
Sử dụng trụ lành thương có hình dạng loe lớn ở phần trên – trụ giải phẫu – là để chuyển từ đường kính implant có kích thước nhỏ sang kích thương lớn hơn ở vùng cổ răng tương ứng. Điều này giúp cho việc gắn răng sứ sau này được dễ dàng, không gây áp lực quá lớn với nướu xung quanh hoặc ảnh hưởng đến sự khít sát của đường hoàn tất.
Sử dụng trụ cá nhân hoặc răng tạm để tạo hình nướu theo ý muốn là chọn lựa tốt nhất. Tuy hơi mất thời gian để thực hiện, nhưng lại hết sức hữu ích và an toàn khi sử dụng trên những implant đặt không đạt chuẩn theo 3 chiều trong không gian hoặc có góc nghiêng quá nhiều.
Một vấn đề thường xảy ra là phẫu thuật viên, khi thực hiện phẫu thuật lần 2 để kết nối trụ lành thương, thường thích dùng trụ lành thương thẳng vì nó cho phép khâu đóng vết thương dễ dàng hơn.
Vấn đề còn lại là bác sĩ phục hình phải biết lựa chọn trụ lành thương phù hợp thay thế trước khi tiến hành phục hình trên implant. Trụ lành thương giải phẫu hoặc cá nhân có thể được thay thế vào thời điểm 7 – 10 ngày sau phẫu thuật lần 2 khi bệnh nhân đến cắt chỉ. Tại thời điểm này sự lành thương mô nướu quanh trụ lành thương chưa hoàn thành nên việc nong rộng thêm mô nướu về phía bên có thể thực hiện một cách dễ dàng.