Trang chủ / Kiến thức chuyên môn / NHỮNG BẤT THƯỜNG TRONG QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN RĂNG

NHỮNG BẤT THƯỜNG TRONG QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN RĂNG

Hiệp hội chỉnh nha Hoa Kỳ (AAO) khuyến cáo lần khám chỉnh nha đầu tiên cho trẻ nên bắt đầu từ khoảng 7 tuổi. Phần lớn các vấn đề chỉnh nha có thể xử lý dễ dàng và nhanh hơn trong giai đoạn tăng trưởng hoạt động này. Mục tiêu chủ yếu của chỉnh nha can thiệp (chỉnh nha pha 1, hay chỉnh nha sớm) là can thiệp và tạo điều kiện thuận lợi cho điều trị chỉnh nha toàn diện pha 2. Một số các tình trạng có thể theo dõi để can thiệp chỉnh nha ở trẻ em từ 6 đến 8 tuổi. Các tình trạng này bao gồm thừa khoảng, chen chúc nặng (thiếu khe hở linh trưởng), cắn hở, cắn sâu, cắn chéo răng trước và/hoặc răng sau, cắn chìa quá mức (> 10mm), và bất thường mọc răng như răng mọc lạc chỗ.

Cắn chéo

Một lệch lạc khớp cắn phổ biến trong quá trình phát triển bộ răng đó là tình trạng cắn chéo phía trước ở bộ răng vĩnh viễn, tình trạng mà có thể gây ra chấn thương với các răng này. Nguyên nhân phổ biến nhất của cắn chéo răng cửa là cản trở khớp cắn phía trước gây ra hiện tượng trượt chức năng khi hàm bệnh nhân đưa từ vị trí tương quan trung tâm đến lồng múi tối đa (hình 1 và hình 2). Nhiều trường hợp, đây không phải là lệch lạc khớp cắn hạng III thật mà là khớp cắn hạng III giả 2, và việc chẩn đoán đúng là rất quan trọng để đưa ra kế hoạch điều trị đúng. Việc can thiệp điều trị trong những trường hợp này là rất quan trọng bởi vì các răng có nguy cơ cao bị tụt nướu (lợi), tổn thương mô nha chu và mẻ rìa cắn. Mang mắc cài phân đoạn vùng răng trước và đôi khi sử dụng khí cụ khẩu cái nới cung răng ra trước nhằm đẩy răng cửa trên ra trước răng cửa dưới, hay còn được gọi là “ nhảy khớp’’.

Screenshot 1
Hình 1: Trượt chức năng ở lồng múi tối đa
Screenshot 2
Hình 2: Khớp cắn ở tương quan trung tâm

Thiếu răng hoặc thừa răng

Một bất thường phổ biến khác trong quá trình phát triển đó là tình trạng thừa răng hoặc thiếu răng. Tình trạng này có thể gây ra bởi răng ngầm, răng thừa, hoặc mất răng. Khi xem xét bất thường răng mọc sai chỗ, cần lưu ý đếm số răng và kiểm tra tình trạng cân xứng. Dấu hiệu đầu tiên của bất thường trong quá trình mọc răng có thể là răng vĩnh viễn không mọc đối xứng nhau trong vòng 6 tháng, răng sữa có thể không lung lay. Khi cần thiết, chúng ta có thể chụp phim 3D để có thêm thông tin, bởi vì phim này cho phép chẩn đoán nguyên nhân, ví dụ răng cửa giữa mọc ngầm do sự hiện diện của u răng.

Răng ngầm có thể xảy ra do một số nguyên nhân. Một tình trạng phổ biến là không đủ chiều dài cung răng dẫn đến chen chúc. Một lý do khác nữa là mất răng sữa sớm nhưng không giữ khoảng, làm cho răng vĩnh viễn bên cạnh nghiêng gần dẫn đến mất khoảng răng vĩnh viễn tương ứng răng sữa đã mất. Bên cạnh răng khôn, răng nanh hàm trên là răng hay bị mọc ngầm nhất. Các răng nanh có quãng đường mọc răng dài nhất, và là một trong những răng mọc cuối cùng vào khoang miệng, nên dễ dàng bị kẹt do chen chúc hoặc chấn thương trước đó. Riêng tình trạng răng nanh mọc kẹt phía khẩu cái có khả năng liên quan về gien. Dấu hiệu sớm của răng nanh mọc ngầm có thể là tình trạng chen chúc nặng và răng cửa bên vĩnh viễn mọc loe về phía xa. Trong những trường hợp này, thân răng nanh mọc ngầm, về mặt bản chất, tạo áp lực lên chân răng cửa bên (Hình 3 và Hình 4).

 

Screenshot 3
Hinh 3: Răng nanh ngầm, dấu hiệu răng mặt
Screenshot 4
Hình 4: Răng nanh ngầm, dấu hiệu trên X quang, thân răng cửa bên loe về phía xa

Để ngăn ngừa tình trạng mọc ngầm, việc giữ khoảng và tăng chiều dài cung răng là rất quan trọng. Tài liệu y văn cho thấy nhổ răng nanh sữa có thể giải quyết được 90% tình trạng mọc ngầm nếu thân răng nanh không nằm về phía gần so với các răng cửa khi đánh giá trên phim toàn cảnh. Một cách khác để tạo khoảng và làm dài cung răng đó là sử dụng khí cụ nong nhanh khẩu cái (RPE).

Một bất thường khác trong quá trình mọc răng đó là tình trạng thừa răng (Hình 5). Răng dư kẽ giữa và thừa răng cối nhỏ cũng xảy ra khá phổ biến. Nhổ các răng này nên được xem xét kỹ lưỡng để  không làm tổn thương các chân răng vĩnh viễn. Một vấn đề khác đó là những bất thường này có thể tiếp diễn, Vì vậy, kiểm tra định kỳ bằng phim X-quang là bắt buộc.

 

Screenshot 5
Hình 5: Răng dư ở hàm dưới

Một bất thường quan trọng nữa cần xem xét là thiếu răng. Răng vĩnh viễn hay bị thiếu nhất, ngoại trừ răng khôn, đó là răng cửa bên và răng cối nhỏ thứ hai. Tình trạng này có thể do gien hay bất thường trong quá trình phát triển. Với thiếu răng cối nhỏ, tác giả thích giải pháp bảo tồn, tức giữ các răng cối sữa và chuẩn bị cho phương án cấy implant thay thế khi có chỉ định. Tuy nhiên, nhổ răng sẽ là giải pháp lựa chọn nếu răng cối nhỏ lung lay, tiêu chân, dính khớp hay vùi dưới nướu (lợi), có thể gây vấn đề nha chu trong tương lai. Khi thiếu răng cửa bên, yếu tố thẩm mỹ chính là yếu tố quan trọng cần xem xét khi lên kế hoạch điều trị. Hai phương án điều trị phổ biến đó là đưa răng nanh vào thay thế hoặc tạo khoảng để cấy implant khi kết thúc tăng trưởng. Nữ giới thường kết thúc tăng trưởng lúc khoảng 16-18 tuổi còn nam giới muộn hơn khoảng từ 18-20 tuổi.

Sử dụng răng nanh thay thế có thể là một giải pháp hữu hiệu nếu màu răng nanh không tối hơn nhiều so với màu răng cửa, hình thái giải phẫu răng phù hợp về mặt thẩm mỹ và chênh lệch chiều cao viền nướu không đáng kể. Trong những ca như vậy, việc sử dụng răng nanh thay thế là một lựa chọn điều trị thay cho nhổ răng cối nhỏ trong điều trị ngụy trang các ca sai lệch hạng II. Cần lưu ý giải thích cho bệnh nhân có thể sẽ phải làm mão răng trong tương lai để đạt kết quả thẩm mỹ tối ưu.

Răng chen chúc

Bất thường thứ ba trong quá trình phát triển răng là tình trạng chen chúc. Trường hợp chen chúc nặng trên 10 mm thì can thiệp sớm là cần thiết. Nguyên nhân phổ biến của chen chúc bao gồm răng kích thước lớn, ví dụ như răng cửa giữa có chiều ngang >10mm, bất cân xứng giữa kích thước răng và chiều dài cung răng và mất răng sữa sớm không giữ khoảng.Các giải pháp điều trị có thể là nhổ răng tuần tự (serial extraction), bao gồm răng sữa và răng cối nhỏ vĩnh viễn, thường chỉ định trong trường hợp răng có kích thước lớn. Nong hàm cũng là một giải pháp khác nhằm làm hài hòa giữa chiều dài cung răng và kích thước răng.

Cuối cùng, có thể sử dụng giải pháp mài kẽ làm giảm kích thước răng và cải thiện sự cân xứng giữa hai cung răng. Với giải pháp điều trị này, bề mặt răng được mài nên được đánh bóng mịn để giảm nguy cơ tích tụ mảng bám ở mặt tiếp cận do mài kẽ nhằm giảm nguy cơ sâu răng.

Nguồn: ” Nguyên lý cơ bản của chỉnh nha can thiệp: tối ưu khóa sự tăng trưởng và phát triển răng mặt”  Chuyên đề Nha khoa Liên Ngành 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Chúng tôi đang xử lí yêu cầu của bạn..Vui lòng đợi sau ít phút